Một số kỹ năng thuyết trình trước đám đông mọi người cần chú ý.
Với hầu hết các nhóm công việc hiện đại, thì bất cứ khi nào chúng ta mong muốn trình bày kế hoạch, ý kiến cá nhân trước đám đông, kỹ năng thuyết trình cũng là một kỹ năng mấu chốt cần có. Thuyết trình không còn là “trình bày, thuyết minh“, mà đã trở thành một nghệ thuật được sử dụng trong việc thu phục nhân tâm, tạo động lực cho những người xung quanh.
1. Tạo cảm xúc khi thuyết trình
Hầu hết những người thuyết trình kém đều chú ý vào việc họ sẽ nói gì (nội dung cần trình bày) mà quên rằng điều quan trọng hơn là nói như thế nào. Theo đó, những nội dung nâng cao, hoặc nội dung ẩn của một bài trình bày không thể được chuyển tải hết qua khối lượng câu chữ ngắn ngủi của một bài thuyết trình trong thời lượng khoảng 30 – 45 phút. Mà khả năng truyền tải này sẽ được quyết định bởi cảm xúc từ trong giọng nói, và cách biểu hiện ngôn ngữ cơ thể của người thuyết trình. Như vậy, điều đầu tiên mà bạn nên làm trước khi chuẩn bị một bài nói trước đám đông, đó là đừng bao giờ cố gắng học thuộc lòng toàn bộ nội dung của bài nói đó.
Nhiều người tin rằng khi mình nắm vững các kỹ năng nói, thì họ sẽ thành công. Tuy nhiên, cảm xúc lại đóng vai trò quan trọng hơn, cũng có thể nói tạo cảm xúc chính là một kỹ năng quan trọng nhất trong thuyết trình. Đạt được điều này rất đơn giản. Cũng như khi bạn biểu hiện niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, bạn sẽ kết hợp với nét mặt và ngôn ngữ cơ thể tương ứng, làm sao cho người đối diện có thể thấu hiểu được những cảm xúc này khi nhìn những động tác trên. Ngoài ra, kỹ năng sử dụng giọng nói cũng là một điều mà bạn nên học. Ví dụ, khi vui thì tốc độ giọng sẽ nhanh hơn, tông giọng sẽ cao hơn. Biểu cảm trong giọng nói là một trong những bí quyết tác động mạnh mẽ đến sự cảm thụ nội dung cần truyền đạt cho người nghe.
Ngoài những bí quyết như trên, điều quan trọng nhất là khi bạn nói về bất cứ điều gì, thì bản thân bạn phải có cảm xúc, sự hưng phấn và niềm mong muốn chia sẻ tất cả những thông tin đó một cách minh bạch cho người nghe thì bạn mới lan tỏa được cảm xúc đó một cách tự nhiên ra bên ngoài. Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc rằng : những yếu tố trên có phải do năng khiếu thiên phú của một số người nào đó, nếu tôi sẵn là người thiếu tự tin, thì làm sao tôi làm được những điều này? Vâng, phần tiếp theo đây chúng ta sẽ giải đáp ngay : làm sao để có được sự tự tin?
2. Rèn luyện sự tự tin trước đám đông
Làm thế nào để có được tự tin luôn là một trong những chủ đề nóng trong những khóa học kỹ năng. Thật ra, điều này vô cùng dễ dàng để đạt được, và nó là gốc rễ được gắn trên bằng “phần ngọn” là những kỹ năng điều chỉnh giọng nói, diễn tả ngôn ngữ hình thể.
Đầu tiên, bạn hãy hồi tưởng lại cách bạn tự tin nói chuyện, trình bày gần gũi với một người đồng nghiệp, hoặc một người bạn của bạn như thế nào. Lúc đó, bạn đã tin vào khả năng truyền đạt và thuyết phục ra sao? Khi bạn tự tin, bạn biết bạn là ai, và bạn hiểu người khác đánh giá bạn ra sao, bạn sẽ không sợ hãi đám đông. Khi bạn đặt niềm tin vào người nghe, bạn có thể thoải mái thể hiện ý tưởng của bản thân, đó là tự tin. Nói cách khác, nếu bạn luôn nghĩ mọi thứ về bản thân mình tích cực, và bạn tin rằng người khác cũng sẽ nhìn thấy được những điều tốt đẹp đó, thì bạn sẽ nâng cao được lòng tự tin.
Có một vài bí quyết nho nhỏ để tăng cường sự tự tin như sau : Thường khi tiếp xúc với một người không tự tin, khi ta đặt câu hỏi : “vì sao bạn lại thiếu tự tin?”, sẽ nhận được những câu trả lời như “tôi sợ tôi không đẹp, tôi sợ tôi nói không hay, tôi sợ cái áo hôm nay không hợp với mình…”. Hãy chuyển đổi tâm lý này bằng vài phút đứng trước gương trước khi đến buổi thuyết trình. Như vậy bước thứ nhất, hãy là người chu đáo để tin vào sức mạnh của bản thân mình trước. Vững lòng tin vào ngoại hình cũng là một nhân tố xúc tác mạnh đến quá trình xuất hiện trước đám đông.
Bước thứ hai, khi bước vào vị trí của người thuyết trình, bạn phải chắc chắn rằng tất cả những nội dung mình trình bày đã nằm trong đầu của bạn. Như đã đề cập ở trên, chúng ta không học thuộc lòng, mà là nắm vững một cách có hệ thống, theo đó, bất cứ câu hỏi nào đặt ra, bạn cũng có thể ứng phó tốt. Bạn có thể sử dụng mindmap (bản đồ tư duy) để làm hiệu quả hơn việc này. Từ đây, áp dụng những công cụ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ có thể ngày một nâng cao khả năng trình bày tốt và truyền đạt được cảm xúc tự nhiên.
3. Đặt ra giá trị tác động đến người nghe
Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có những người trở thành những diễn giả nổi tiếng, có thể thuyết trình về một vấn đề trước hàng ngàn người bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác? Đó là bởi vì, mục tiêu của họ là mong muốn chia sẻ những giá trị nhất định đến cho người nghe trong bài nói của mình.
Theo quy tắc diễn thuyết của Diễn giả Quách Tuấn Khanh – một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam, thì thuyết trình cũng là một phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của người thuyết trình là hướng đến lợi ích chung của đám đông, chứ không phải để thể hiện thương hiệu cá nhân. Nên mục tiêu của một bài thuyết trình luôn là để khiến cho người khác thay đổi tốt hơn, hoặc để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực.
Như vậy, bạn nên có sự tìm hiểu rõ ràng người nghe bạn là ai, họ cần gì, và điều gì tác động làm cho họ thay đổi. Một người khi đón nhận thông điệp thuyết trình, thì họ đón nhận người thuyết trình trước khi họ đón nhận thông điệp, nói đơn giản là khi người nghe có sự tin cậy vào bạn thì họ sẽ tin cậy vào những gì bạn trình bày, ngược lại, họ sẽ dễ dàng thiếu đồng tình hoặc tự tạo ra mâu thuẫn với thông tin của bạn.
Một mẹo nhỏ để có thể “xốc dậy” được sự chú ý của người nghe, khi họ chưa biết gì về bạn, thì bạn nên có bước đệm là giới thiệu về bản thân, thẩm quyền, và chuyên môn của bạn đối với vấn đề mà bạn sắp nói. Như thế, người nghe sẽ xác định được là họ có nên tin hoặc nên có thái độ như thế nào đối với những thông tin mà người thuyết trình sắp nói.
Nếu bạn làm tốt những điều này, thì dần dần, không chỉ kỹ năng thuyết trình trước đám đông của bạn được nâng lên, mà bạn còn gây dựng được thương hiệu cá nhân trong mắt người khác.