8 sai lầm nguy hiểm khi ăn món cua đồng cần chú ý
Dưới đây là 8 sai lầm nguy hiểm khi ăn món cua đồng cần chú ý :
- Ăn cua sống
Rất nhiều vùng của Việt Nam có thói quen giã nát vỏ cua đắp lên vết thương hay dùng thịt cua sống để làm gỏi. Điều này rất nguy hiểm bởi trong thịt cua có chứa nang trùng hút máu phổi tên khoa học là lungfluke và loại sán lá gây bệnh. Khi hai loại vi trùng này xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm cũng như các biến chứng khó lường, thậm chí là tử vong.
- Không bỏ dạ dày khi chế biến
Cua đồng là loại động vật sống trong hang, ưa nước sạch, hay sống dưới đáy ruộng, ao bùn, thường ăn xác các loại động vật chết hoặc các chất mùn để sống. Vì vậy trong dạ dày cua thường có rất nhiều vi khuẩn có hại.
Khi chế biến, quá trình tiêu hóa của cua dừng lại đồng nghĩa với nhiều loại vi khuẩn không được tiêu hóa. Nếu rửa cua không sạch, nấu không kỹ thì ta vô tình ăn cả những ký sinh trên vỏ, cũng như vi khuẩn trong dạ dày, từ đó gây nên nhiều bệnh nguy hiểm.
- Nấu canh từ cua chết
Rất nhiều bà nội trợ thường mua cua xay sẵn ở ngoài chợ rồi về lọc rồi nấu. Tuy nhiên, cách làm này lại chứa nhiều hiểm họa không lường mà nhiều người không ngờ tới. Bởi vì khi làm cua, nhiều người bán hàng đã tiếc rẻ nên không loại bỏ những con cua chết. Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, càng dễ ngộ độc hơn.
Bạn nên tự tay chọn cua đồng còn sống và chọn những con cua cái mới ngon vì cua cái chắc thịt hơn cua đực. Cua ngon là cua cái to khoảng ngón chân cái. Khi làm phải bẻ hết bụng dưới của chúng đi. Bạn không được chọn con cua cái đang đẻ và con cua quá non vì cua non nước sẽ bị hoi.
- Ăn đi ăn lại, hay không sử dụng ngay
Khi chế biến cua đồng, nên chế biến đến đâu sử dụng hết đến đó, bởi thịt cua có chứa rất nhiều chất đạm cũng như chất dinh dưỡng khác, sau khi tiếp xúc với môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu…
Đặc biệt trong tiết trời hè hay đang chuyển mùa, việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể thịt cua bị biến chất, gây độc.
- Ăn hồng khi ăn cua
Tiết trời chuyển thu là thời điểm mà cua đồng béo nhất cũng là mùa hồng chín, nhiều gia đình thường sử dụng hồng làm món ăn tráng miệng sau khi ăn cơm.
Điều này rất kỵ đối với những bữa ăn có cua làm thực phẩm, bởi như nước chè, chất tamin trong hồng sẽ khiến cho các chất dinh dưỡng khó phân hủy, kết hợp với protein tạo nên cặn, các chất rắn này lưu lại trong ruột gây lên men, thối rữa tạo hiện tượng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, hay nặng hơn đó là sỏi thận.
- Uống trà khi ăn cua
Không nên uống nước trà sau khi ăn cua, nhiều người sau khi ăn cua thường thấy tanh, nồng và lạnh bụng nên hay uống trà nóng để giữ ấm cơ thể. Điều này hoàn toàn không nên. Trong trà xanh có một lượng lớn các hoạt chất có tính kiềm, đặc biệt là chất tanin. Chất này có ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá của cơ thể vì sau khi đi vào dạ dày chúng có khả năng gây ức chế quá trình phân giải, làm loãng các men tiêu hóa, khó phân giải các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, từ đó dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, tanin khi kết hợp với protein có rất nhiều trong thịt sẽ kết tủa, vón cục tạo thành cặn, sạn nhỏ dễ gây ra sỏi thận.
- Người bị cảm lạnh, tiêu chảy
Người bị cảm lạnh sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì thịt cua lạnh khiến bệnh càng nặng hơn.
Trong gạch cua có chứa một hàm lượng cholesterol cao, không tốt cho những người mắc bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu cao. Ngoài ra, người bị dị ứng cũng cần hết sức cẩn trọng khi ăn cua.
- Phụ nữ có thai
Phụ nữ mang thai những tháng đầu hay thai nhi yếu không nên ăn cua đồng bởi tính độc trong cua không tốt cho sự phát triển của trẻ. Hai là do tính hàn của cua đồng dễ gây ra đau bụng khiến bà bầu có khả năng bị sảy thai hoặc sinh non.